Chuyên Đề 2. Tây Âu Thời Trung Đại

Linhbook.com xin giới thiệu tới các Thầy, Cô giáo và các em học sinh một số chuyên đề trong cuốn tài liệu “Các Chuyên Đề Chuyên Sâu Trong Bồi Dưỡng Học Sinh Giỏi Lớp 10 Môn Lịch Sử

Liên hệ zalo để tư vấn: 0977014390 (cô Linh)

Chuyên đề 2 của cuốn tài liệu viết về Tây Âu thời trung đại. Chuyên đề gồm 2 phần chính: Phần A một vài kiến thức trọng tâm. Phần B là các câu hỏi chuyên sâu dành cho giáo viên và học sinh ôn tập thi học sinh giỏi các cấp.

A. KIẾN THỨC CHUNG

          I. THỜI KÌ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN Ở TÂY ÂU (Từ thế kỉ V đến thế kỉ XIV)

          Từ thế kỉ V, trên lãnh thổ của đế quốc Rôma rộng lớn trước kia, dần hình thành các quốc gia của người Giéc-man, quan hệ sản xuất phong kiến cũng dần dần được thiết lập và củng cố. Sự xuất hiện của các thành thị trung đại vào thế kỉ XI – XII đã có một vai trò hết sức to lớn đối với sự phát triển của xã hội châu Âu thời trung đại.

          1. Sự hình thành các vương quốc phong kiến ở Tây Âu

          Từ thế kỉ III, đế quốc Roma dần dần lâm vào tình trạng khủng hoảng. Hình thức bóc lột chiếm hữu nô lệ không còn phù hợp. Cuộc đấu tranh của nô lệ dẫn đến tình trạng sản xuất bị sút kém, xã hội rối ren. Trong tình hình đó, đến cuối thế kỉ V, đế quốc Roma bị người Giéc-man từ phương Bắc tràn xuống xâm chiếm. Năm 476, đế quốc Rô-ma bị diệt vong. Chế độ chiếm nô kết thúc ở khu vực Địa Trung Hải, thời đại phong kiến bắt đầu ở châu Âu.

          Khi vào lãnh thổ của Rô-ma, người Giéc-man đã thủ tiêu bộ máy nhà nước cũ, thành lập nhiều vương quốc mới của họ như vương quốc của người Ăng-glô Xắc-xông, Vương quốc Phơ-răng, Vương quốc Tây Gốt, Đông Gốt…

          Người Giéc-man còn chiếm ruộng đất của chủ nô Rô-ma cũ rồi chia cho nhau, trong đó các tướng lĩnh quân sự và quý tộc được phần nhiều hơn. Đồng thời, các thủ lĩnh bộ lạc, các quý tộc thị tộc người Giéc-man cũng tự xưng vua, phong các tước vị như công tước, bá tước, nam tước vv… tạo nên hệ thống đẳng cấp quý tộc vũ sĩ.

          Người Giéc-man cũng từ bỏ các tôn giáo nguyên thuỷ của mình và tiếp thu Kitô giáo. Họ xây dựng nhà thờ và tìm cách chiếm ruộng đất của nông dân. Đồng thời, nhà vua cũng phong tặng đất đai theo tước vị cho các quý tộc và nhà thờ.

          Tầng lớp quý tộc tăng lữ được hình thành. Thế là cùng với các quý tộc vũ sĩ và quan lại, quý tộc tăng lữ cũng dần trở thành tầng lớp riêng, vừa có đặc quyền vừa rất giàu có. Họ trở thành các lãnh chúa phong kiến, còn nô lệ và nông dân thì biến thành nông nô, phụ thuộc vào các lãnh chúa. Quan hệ sản xuất phong kiến ở châu Âu đã được hình thành. Quá trình này diễn ra rõ nét và mạnh mẽ nhất ở Vương quốc Phơ-răng.

          2. Xã hội phong kiến Tây Âu

          Đến giữa thế kỉ IX, phần lớn đất đai đã được các quý tộc và nhà thờ chia nhau chiếm đoạt xong. Những vùng đất đai rộng lớn đó đã nhanh chóng bị họ biến thành khu đất riêng của mình – gọi là lãnh địa phong kiến. Đây là đơn vị chính trị và kinh tế cơ bản trong thời kì phong kiến phân quyền ở Tây Âu.

          Mỗi lãnh chúa phong kiến đều có một lãnh địa riêng. Mỗi lãnh địa là một khu đất rộng lớn bao gồm đất của lãnh chúa và đất khẩu phần. Trong khu đất của lãnh chúa có những lâu đài, dinh thự, nhà thờ và có cả nhà kho, chuồng trại …, có hào sâu, tường cao bao quanh, tạo thành những pháo đài kiên cố, Đất khẩu phần ở xung quanh pháo đài được lãnh chúa giao cho nông nô cày cấy và thu tố thuế.

          Nông nô là những người sản xuất chính trong các lãnh địa. Họ bị gắn chặt với ruộng đất và lệ thuộc vào lãnh chúa. Ai bỏ trốn sẽ bị trừng phạt rất nặng. Họ nhận ruộng đất để cày cấy và phải nộp tô cho lãnh chúa. Mức tô thường rất nặng, có khi tới 1/2 số sản phẩm thu được. Ngoài ra, nông nô còn phải nộp nhiều thứ thuế khác như thuế thân, thuế cưới xin, thuế thừa kế tài sản … Tuy vậy, nông nổ vẫn được tự do trong quá trình sản xuất, có gia đình riêng, có túp lều để ở, có nông cụ và gia súc… nên họ đã quan tâm đến sản xuất.

          Kĩ thuật sản xuất đã có những tiến bộ đáng kể: biết dùng phân bón, gieo trồng theo thời vụ, biết dùng cày và bừa cải tiến do hai ngựa kéo… Mọi thứ cần dùng trong lãnh địa từ lương thực, thực phẩm cho đến quần áo, giày dép… đều do nông nở sản xuất. Người ta chỉ mua muối và sắt, hai thứ mà họ chưa tự làm ra được; ngoài ra không có sự trao đổi, buôn bán với bên ngoài. Như thế, lãnh địa là một cơ sở kinh tế đóng kín, mang tính chất tự nhiên, tự cấp, tự túc.

          Trên cơ sở của nền kinh tế tự nhiên, đóng kín, mỗi lãnh địa cũng là một đơn vị chính trị độc lập. Các lãnh chúa có quyền cai trị lãnh địa của mình như một ông vua, có quân đội, toà án, luật pháp riêng, có chế độ thuế khoá, tiền tệ, cân đong, đo lường riêng. Một số lãnh chúa lớn còn buộc nhà vua ban cho mình quyền “miễn trừ” không can thiệp vào lãnh địa của lãnh chúa. Như vậy, nhà vua thực chất cũng là một lãnh chúa lớn. Đây là những biểu hiện của chế độ phong kiến phân quyền ở Tây Âu thời trung đại.

          Trong các lãnh địa, các lãnh chúa sống cuộc đời nhàn rỗi, xa hoa. Thời bình, họ luyện tập cung, kiếm, cưỡi ngựa hoặc tổ chức những buổi tiệc tùng, hội hè

trong những lâu đài nguy nga, tráng lệ. Họ sống sung sướng trên sự bóc lột tô thuế và sức lao động của nông nổ. Không những thế, họ còn đối xử với nông nỗ hết sức tàn nhẫn. Vì vậy, nông nô đã nhiều lần nổi dậy chống lại các lãnh chúa, điển hình là cuộc khởi nghĩa Giắc-cơ-ri nổ ra ở Pháp năm 1358 và Oát Tay-lơ nổ ra ở Anh năm 1381.

          Do sản xuất phát triển, từ thế kỉ XI, ở Tây Âu đã xuất hiện những tiền đề của nền kinh tế hàng hoá. Giờ đây, sản phẩm được bán ra thị trường một cách tự do, không bị đóng kín trong lãnh địa. Trong các ngành thủ công nghiệp đã diễn ra quá trình chuyên môn hoá tương đối mạnh mẽ. Một số thợ giỏi chỉ làm một nghề thủ công riêng biệt như rèn, mộc, làm đồ da, đồ gốm vv… và sống bằng việc trao đổi sản phẩm thủ công của mình với những nông nổ khác.

          Dần dần, để có điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, trao đổi sản phẩm, một số thợ thủ công đã tìm cách thoát khỏi lãnh địa bằng cách bỏ trốn hoặc dùng tiền chuộc lại thân phận. Họ đến những nơi có đông người qua lại như ngã ba đường, bến sông… để lập các xưởng sản xuất và buôn bán hàng hoá. Từ đó, các thành thị ra đời. Ngoài ra còn có những thành thị do các lãnh chúa lập ra hoặc được phục hồi từ những thành thị cổ đại.

          Trong các thành thị, cư dân chủ yếu gồm những thợ thủ công và thương nhân. Họ tập hợp trong các tổ chức gọi là phường hội, thương hội và đặt ra những quy chế riêng (gọi là phường quy), nhằm giữ độc quyền sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền lợi cho những người cùng ngành nghề và đấu tranh chống sự áp bức, sách nhiễu của các lãnh chúa địa phương. Các thương nhân châu Âu hằng năm còn tổ chức những hội chợ lớn hoặc cao hơn là thành lập các thương đoàn để trao đổi, buôn bán. Sự phát triển của các ngành thủ công nghiệp và thương nghiệp trong các thành thị đã góp phần phá vỡ nền kinh tế tự nhiên của các lãnh địa, tạo điều kiện cho kinh tế hàng hoá giản đơn phát triển. Thành thị còn góp phần tích cực xoá bỏ chế độ phong kiến phản quyền, xây dựng chế độ phong kiến tập quyền, thống nhất quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, nó mang không khí tự do và mở mang tri thức cho mọi người, tạo tiền đề cho việc hình thành các trường đại học lớn ở châu Âu như Bologna (Italy), Oxford (Anh), Sorbonne (Pháp)…

          II. TÂY ÂU THỜI HẬU KÌ TRUNG ĐẠI

          Sự phát triển nhanh chóng của sản xuất đã làm cho nhu cầu về hương liệu, vàng bạc, thị trường ngày một tăng. Việc tìm con đường đi sang phương Đông đã thúc đẩy các cuộc phát kiến lớn về địa lí. Nó mang lại nguồn của cải lớn vệ châu Âu cũng như những hiệu biết mới về Trái Đất. Trên cơ sở đó, công cuộc tích lũy tư bản ban đầu được tiến hành. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành. Hai giai cấp mới – tư sản và vô sản đã ra đời. Giai cấp tư sản đang lên, có địa vị kinh tế, nhưng lại bị chế độ phong kiến và Giáo hội cản trở. Họ đã đứng lên đấu tranh, xây dựng một nền văn hoá mới trong phong trào Văn hoá Phục hưng, tiến hành cải cách tôn giáo, phong trào đấu tranh của nông dân đã diễn ra sôi nổi.

          Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là những nước tiên phong trong các cuộc thám hiểm, khám phá ra những miền đất mới.

          Năm 1987, B. Đi-a-xơ (1450 – 1500) là hiệp sĩ “Hoàng gia” đã dẫn đầu đoàn thám hiểm đi vòng qua cực Nam của châu Phi, Điểm đó được ông đặt tên là mũi Bão Tố, sau gọi là mũi Hảo Vọng.

          Tháng 8 – 1492, C. Cô-lôm-bô (1451 ? – 1506) đã dẫn đầu đoàn thuỷ thủ Tây Ban Nha đi về hướng Tây. Sau hơn 2 tháng lênh đênh trên Đại Tây Dương, ông đã đến một số đảo thuộc vùng biển Ca-ri-bê ngày nay, nhưng ông tưởng đây là miền “Đông Ấn Độ”. Cô-lôm-bô được coi là người phát hiện ra châu Mĩ.

          Tháng 7- 1497, Va-xcô đơ Ga-ma (1469 ? – 1524) chỉ huy đoàn thuyền Bồ Đào Nha rời cảng Li-xbon, đi tìm xứ sở huyền thoại của hương liệu và vàng

phương Đông. Tháng 5 – 1498, ông đã đến Ca-li-cút thuộc bờ Tây Nam Ấn Độ. Trở về Li-xbon, Va-xcô đơ Ga-ma được phong làm Phó vương Ấn Độ.

           Ph. Ma-gien-lan (1480 – 1521) là người đã thực hiện chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới bằng đường biển từ năm 1519 đến năm 1522. Đoàn tàu của ông đi vòng qua điểm cực Nam của Nam Mĩ (sau này được gọi là eo biển).

          Phát kiến địa lí đã mở ra một trang mới trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người. Nó đã khẳng định Trái Đất hình cầu, mở ra những con đường mới, những vùng đất mới, những dân tộc mới, những kiến thức mới, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các châu lục. Đồng thời, nó cũng thúc đẩy quá trình khủng hoảng, tan rã của quan hệ phong kiến và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu. Tuy nhiên cùng với những yếu tố tích cực, các cuộc phát kiến địa lí đã nảy sinh quá trình cướp bóc thuộc địa và buôn bán nô lệ.

          2. Sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu

          Sau các cuộc phát kiến địa lí, kinh tế ở châu Âu phát triển nhanh. Tầng lớp quý tộc, thương nhân Tây Âu ra sức cướp bóc của cải, tài nguyên của các nước châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Giai cấp tư sản tích lũy được số vốn ban đầu bằng sự cướp bóc thực dân. Đồng thời, họ còn dùng bạo lực để cướp đoạt ruộng đất của nông dân.

          Ở Anh diễn ra phong trào “rào đất cướp ruộng”, biến ruộng đất thành đồng cỏ nuôi cừu. Hàng vạn gia đình nông dân mất đất, đi lang thang, buộc phải làm thuê trong các xí nghiệp của giai cấp tư sản. Ngay ở thành thị, thợ thủ công cũng bị tước đoạt tư liệu sản xuất, trở thành người đi làm thuê. Đến đầu thế kỉ XVI, ở Tây Âu bắt đầu xuất hiện hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa.

          Đến đầu thế kỉ XVI, ở Tây Âu bắt đầu xuất hiện hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa. Công trường thủ công thay thế các phường hội. Quy mô của các công xưởng thủ công lên tới hơn 100 người. Nhờ áp dụng kĩ thuật mới vào quy trình sản xuất, năng suất lao động tăng, sản phẩm nhiều hơn, giá cả hạ. Chủ xưởng tiến hành bóc lột những người lao động làm thuê, quan hệ giữa họ là quan hệ của chủ với thợ. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã được hình thành trong các công trường thủ công.

          Nhiều nơi ở nông thôn, sản xuất nhỏ của nông dân dần dần bị xoá bỏ và được thay thế bằng hình thức đồn điền hay trang trại. Người lao động biến thành công nhân nông nghiệp theo chế độ làm công ăn lương. Chủ ruộng đất trở thành tự sản nông thôn hay quý tộc mới.

          Trong ngành thương nghiệp cũng xuất hiện các công ti thương mại thay cho các thương hội trung đại.

          Từ những thay đổi nói trên, xã hội Tây Âu đã biến đổi, các giai cấp mới được hình thành. Những chủ xưởng, chủ ngân hàng, chủ đồn điền hợp thành giai cấp tự sản. Những người làm thuê, bị bóc lột trở thành giai cấp vô sản.

3. Thời đại Văn hoá Phục hưng:

          Chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của khoa học – kĩ thuật, sự phát triển phong phú về văn học và sự nở rộ các tài năng.

          Những con người “khổng lồ” đã xuất hiện, toả ánh hào quang trong lịch sử: Ra-bơ-le vừa là nhà văn, vừa là nhà y học ; Đề-các-tơ vừa là nhà toán học xuất sắc, vừa là nhà triết học lớn ; Lê-ô-na đơ Vanh-xi vừa là hoạ sĩ thiên tài, vừa là kĩ sư nổi tiếng ; Sếch-xpia là nhà soạn kịch vĩ đại ….

          Văn hoá thời Phục hưng đã lên án nghiêm khắc Giáo hội Kitô, tấn công vào trật tự xã hội phong kiến, đề cao giá trị nhân bản và tự do cá nhân, xây dựng thế giới quan tiến bộ. Đây là cuộc đấu tranh công khai đầu tiên trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại giai cấp phong kiến lỗi thời. Nó đã cổ vũ và mở đường cho văn hoá châu Âu phát triển hơn.

          4. Cải cách tôn giáo và chiến tranh nông dân

          a) Cải cách tôn giáo

          Trong thời trung đại, giáo hội Kitô là chỗ dựa vững chắc nhất của chế độ phong kiến châu Âu. Nó chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội. Đến hậu kì trung đại, Giáo hội ngày càng có xu hướng ngăn cản, chống lại các phong trào của giai cấp tư sản đang lên. Cuộc đấu tranh chống phong kiến đã làm bùng lên ngọn lửa của phong trào Cải cách tôn giáo.

          Đi đầu trong phong trào cải cách là các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa nhân văn. Họ đề ra những tư tưởng tiến bộ.

          Phong trào Cải cách tôn giáo diễn ra ở khắp các nước Tây Âu. Đi đầu là Đức, Thụy Sĩ, sau đó sang Bỉ, Hà Lan, Pháp, Anh. Nổi tiếng nhất là cuộc cải cách tôn giáo của M. Lu-thơ (1483 -1546) ở Đức và của G. Can-vanh (1509 -1564, người Pháp) ở Thuỵ Sĩ.

Các nhà cải cách Lu-thơ và Can-vanh thực chất đều không có ý định thủ tiêu tôn giáo, mà chỉ dùng biện pháp ôn hoà để tiến hành cải cách, bãi bỏ các thủ tục và lễ nghi phiền toái. Cải cách tôn giáo đã được đông đảo nhân dân ủng hộ và lan rộng khắp châu Âu ở thế kỉ XVI. Giáo hội đã phản ứng dẫn đến sự phân hoá trong xã hội Tây Âu thành Tân giáo và Cựu giáo, Các phong trào Cải cách tôn giáo và Văn hoá Phục hưng là những cuộc đấu tranh công khai đầu tiên trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại giai cấp phong kiến đã suy tàn. Nó cổ vũ và mở đường cho nền văn hoá châu Âu phát triển cao hơn.

          b) Chiến tranh nông dân Đức

          Ở Đức, trong và sau Cải cách tôn giáo, nền kinh tế thấp kém, chế độ phong kiến bảo thủ đã cản trở việc vươn lên của giai cấp tư sản. Người nông dân cũng bị áp bức bóc lột nặng nề nên đã tiếp thu cải cách tôn giáo, tiếp thu tư tưởng của Lu-thơ. Từ mùa xuân 1524, cuộc đấu tranh đã có tính chất quyết liệt, mở đầu cho cuộc chiến tranh nông dân thật sự. Người lãnh tụ kiệt xuất của phong trào là Tô-mát Muyn-xe.

          Tô-mát Muyn-xe xuất thân từ một gia đình thợ mỏ ở Xton-béc. Thuở nhỏ, ông rất chăm học; 15 tuổi đã lập trong trường ông học một hội kín chống Giám mục Ma-đờ-bua và nhà thờ La Mã. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông trở thành Linh mục. Năm 1521, ông ra nước ngoài, sau đó trở về Đức vận động cách mạng. Ông rất đồng cảm với nhân dân, lên án gay gắt sự hủ bại của Giáo hội, lên án chế độ bóc lột phong kiến. Ông kêu gọi nông dân nổi dậy chống áp bức; tuyên truyền và mở cuộc xây dựng một xã hội bình đẳng cho mọi người. Phong trào nông dân đã giành được thắng lợi bước đầu. Trước sự phát triển của phong trào, giới quý tộc phong kiến và tăng lữ Đức đã dùng mọi thủ đoạn, dốc mọi lực lượng đàn áp. Phong trào nông dân bị tổn thất nặng nề.

          Cuộc chiến tranh nông dân Đức là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Nó biểu hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt và khí phách anh hùng của nông dân Đức đấu tranh chống lại Giáo hội và chế độ phong kiến. Nó cũng báo hiệu sự khủng hoảng suy vong của chế độ phong kiến.

B. CÂU HỎI LUYỆN TẬP

Phần này xin giới thiệu một số câu hỏi trong chuyên đề 2.

Th.s Nguyễn Thị Linh

CÂU 1.

Tại sao thời Trung đại ở Châu Âu lại tồn tại chế độ Phong kiến phân quyền?

TRẢ LỜI

          * Khái Niệm:

          Chế độ phong kiến phân quyền là chế độ phong kiến đứng đầu nhà nước là Vua nhưng quyền lực của cả nước không tập trung vào tay Vua mà phân tán ở các Lãnh chúa phong kiến. Mỗi lãnh chúa phong kiến có toàn quyền trên lãnh địa của mình về kinh tế, chính trị, luật pháp, thuế khóa, quân sự… Do quyền lực phân tán như vậy nên gọi là chế độ Phong kiến phân quyền.

          * Ở  Tây Âu thời trung đại tồn tại chế độ Phong kiến Phân quyền vì:

– Do chính sách phân phong ruộng đất (Đất phong được cha truyền con nối)

=> Các lãnh địa thuộc quyền sở hữu của lãnh chúa.

– Do chế độ Nông nô và địa hình biệt lập, phân tán mỗi lãnh địa trở thành một đơn vị kinh tế, chính trị, xã hội riêng biệt. Mỗi lãnh địa như một nhà nước nhỏ có Lâu đài, quân đội, toàn án, thuế khóa, tiền tệ riêng…Các lãnh chúa trở thành những ông Vua con.

– Do sự tồn tại của đẳng cấp quý tộc. Lãnh chúa nhỏ phục tùng lãnh chúa lớn, lãnh chúa lớn phục tùng nhà Vua. Mỗi lãnh chúa chỉ phục tùng một lãnh chúa cao hơn là người trực tiệp phong cấp ruộng đất cho mình chứ không phục tùng người khác dù người đó ở cấp cao hơn, kể cả Vua. Vì vậy quyền lực của Vua thực sự yếu ớt.

– Ngoài ra lãnh địa như pháo đài kiên cố bất khả xâm phạm, có tường thành cao, hào sâu. Kinh tế tự cung, tự cấp không trao đổi với bên ngoài.

=> Như vậy Tây Âu thời Trung đại tồn tại chế độ Phong kiến Phân quyền.

CÂU 2.

Qua quá trình hình thành và phát triển của thành thị trung đại Tây Âu, em hãy cho biết:

a. Nguyên nhân ra đời của thành thị

b. Vì sao nói: “thành thị trung đại như những bông hoa rực rỡ, xuất hiện trên những vũng bùn đen tối là xã hội phong kiến lúc bấy giờ”

                    TRẢ LỜI

          a. Nguyên nhân ra đời của thành thị

          – Từ thế kỉ XI, ở châu Âu xuất hiện những tiền đề của nền kinh tế hàng hóa: kĩ thuật sản xuất tiến bộ, quá trình chuyên môn hóa sản xuất diễn ra, thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp, năng suất lao động tăng.

          – Dân số trong lãnh địa ngày càng tăng.

          – Những người thợ thủ công tách khỏi lãnh địa tìm đến những nơi sản xuất thuận lợi để buôn bán. Từ đó lập ra các thị trấn, sau trở thành các thành thị.

          b. Vì sao nói: “thành thị trung đại như những bông hoa rực rỡ, xuất hiện trên những vũng bùn đen tối là xã hội phong kiến lúc bấy giờ”

          Thành thị trung đại có vai trò quan trọng làm thay đổi bộ mặt của xã hội phong kiến Tây Âu

          – Kinh tế: Thành thị xuất hiện với các hoạt động kinh tế chủ yếu thủ công nghiệp, thương nghiệp đã góp phần phá vỡ nền kinh tế tự nhiên, tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hóa giản đơn phát triển, thống nhất thị trường quốc gia dân tộc.

          – Xã hội: Xuất hiện tầng lớp thị dân là những người lao động tự do sống trong các thành thị. Nông nô trong các lãnh địa phong kiến sẽ noi gương tầng lớp thị dân để đứng lên đấu tranh giành quyền tự do, giải phóng hoàn toàn khỏi chế độ nông nô bằng cách bỏ trốn khỏi lãnh địa hoặc chuộc thân…

          – Chính trị: Góp phần xóa bỏ chế độ phong kiến phân quyền, hình thành chế độ phong kiến tập quyền thống nhất quốc gia.

          – Văn hóa- giáo dục: Thành thị trung đại mang không khí tự do và phát triển trí thức; thành thị mở các trường đại học để đào tạo tầng lớp trị thức cho thị dân (Đại học Oxford, Socrnonne…)

Một thành thị Tây Âu thời trung đại

CÂU 3.

Tại sao nói: “Chủ nghĩa tư bản ra đời đầm đìa những máu và bùn nhơ ở khắp mọi lỗ chân lông của nó”?

TRẢ LỜI

Sở dĩ nói: “…Tư bản ra đời đầm đìa những máu và bùn nhơ khắp lỗ chân lông của nó?” vì:

CNTB ra đời sau các cuộc phát kiến địa lý, dựa trên quá trình tích lũy nguyên thủy tư bản và những hình thức kinh doanh buổi đầu:

* Quá trình tích lũy tư bản nguyên thủy được tạo nên bởi hai yếu tố: Tư bản (vốn) và nhân công:

– Vốn (tư bản) được tạo bằng cách:

+ Sau các cuộc phát kiến địa lý, quý tộc và thương nhân ra sức cướp bóc của cải các nước thuộc địa ở châu Mĩ, châu Phi, châu Á đem về Tây Âu

+ Buôn bán nô lệ

+ Cướp biển

– Nhân công (lao động làm thuê) được tạo bằng cách tước đoạt tư liệu sản xuất và sự bần cùng hóa nông dân và thợ thủ công:

+ Đối với nông dân: tiến hành “rào đất cướp ruộng”, nông dân bị mất đất trở thành người làm thuê ở Anh.

+ Đối với thợ thủ công: do thuế khóa và cho vay nặng lãi,… mất tư liệu sản xuất phải đi làm thuê.

* Những hình thức kinh doanh buổi đầu:

– Trong thủ công nghiệp: các công trường thủ công thay thế cho phường hội với quy mô sản xuất lớn hơn, có sự chuyên môn hóa lao động , xuất hiện quan hệ sản xuất: chủ – thợ (chủ công trường là những nhà tư bản chiếm được nhiều lợi nhuận, còn thợ thì phải bán sức lao động và bị bóc lột).

– Trong nông nghiệp: xuất hiện đồn điền hay trang trại, sản xuất theo quy mô lớn. Nông dân không có ruộng đất trở thành công nhân nông nghiệp theo chế độ làm công ăn lương.

– Trong thương nghiệp: các thương hội được thay thế bằng các công ty thương mại – các công ty này vừa buôn bán vừa  cướp bóc.

Kết luận: quá trình ra đời, tồn tại phát triển của CNTB được thông qua bằng con đường áp bức và bóc lột quần chúng nhân dân lao động bằng nhiều biện pháp dã man: cướp bóc, lừa gạt, buôn bán, kể cả giết người,…

Chuyên đề 2 gồm rất nhiều câu hỏi với mức tư duy rất cao. Các Thầy, Cô và các em có nhu cầu nâng cao kiến thức thì tham khảo thêm cuốn tài liệu: “Các Chuyên Đề Chuyên Sâu Trong Bồi Dưỡng Học Sinh Giỏi Lớp 10 Môn Lịch Sử” có trên website. Các Thầy, Cô và các em có thể đặt hàng trực tiếp qua số điện thoại 0977014390 hoặc qua fanpage.

Th.s Nguyễn Thị Linh

Để lại một bình luận